Tại sao camera trên iPhone chỉ có độ phân giải 12 megapixel?

đăng bởi tieubachlongblog
Hiện nay các hãng đang có một cuộc chạy đua về camera trên smartphone đặc biệt là cuộc đua về số megapixel. Vậy bao nhiêu megapixel là đủ đối với điện thoại?
  • Không thể phủ nhận rằng camera điện thoại đang càng ngày càng phát triển và chất lượng hình ảnh càng ngày càng được cải thiện. Từ đó cuộc chạy đua công nghệ giữa các hãng bắt đầu và đặc biệt là cuộc đua về số megapixel. Khởi đầu chỉ với 2 megapixel, 4 megapixel và giờ đã lên tới 108 megapixel trên Mi Note 10. Tuy nhiên những ông lớn như Apple hay Google vẫn duy trì sử dụng cảm biến 12 megapixel đã được sử dụng từ rất lâu. Vậy tại sao 12 megapixel lại là độ phân giải tối ưu cho camera điện thoại?

Nhiều megapixel = Nhiều dữ liệu phải xử lý

Camera có càng nhiều megapixel thì càng có nhiều dữ liệu phải xử lý hơn đồng nghĩa với việc thời gian xử lý hình ảnh sẽ chậm hơn và đồng thời cũng kéo theo thời lượng sử dụng của pin bị giảm xuống đặc biệt là khi sử dụng các tính năng cần phải xử lý nhiều như là HDR, Night Mode hay là chế độ chân dung. Hình ảnh 12 megapixel cũng có dung lượng nhỏ hơn giúp người dùng tiết kiệm chi phí nâng cấp lên bộ nhớ có dung lượng cao hơn.

Chất lượng hình ảnh vừa đủ

  • 12 megapixel là một con số vừa đủ để thể hiện sắc nét trên hầu hết các màn hình hiện nay hay thậm chí là trên máy chiếu. Giả sử nếu tất cả mọi người đều xem ảnh trên màn hình 4k thì hình ảnh chỉ cần có độ phân giải khoảng 8.3 megapixel để thể hiện rõ nét nhất, chính vì vậy mọi hình ảnh có độ phân giải trên 12 megapixel đều không thể thể hiện hết được.
  • Tuy nhiên đa phần mọi người đều xem ảnh trên các trang mạng xã hội như là Facebook, Twitter,… và những trang đó đều có thuật toán nén hình ảnh để có thể lưu trữ nhiều dữ liệu hơn trên hệ thống máy chủ nhưng đánh đổi lại chất lượng hình ảnh sẽ không thể tốt như hình ảnh gốc.
  • Video cũng vậy, để lưu trữ một video có độ phân giải cao thì sẽ tốn rất nhiều dung lượng cho nên những trang up video phổ biến như là Youtube đều có thuật toán nén video để tiết kiệm không gian lưu trữ trên máy chủ. Thực ra nguyên nhân khiến cho các hãng phải chuyển từ 8 megapixel sang cảm biến có độ phân giải 12 megapixel là để quay được video 4k mà cảm biến 8 megapixel không thể đáp ứng được.

Chất lượng phần mềm

  • Cảm biến có độ phân giải 12 megapixel được dùng trên rất nhiều smartphone điển hình như là Pixel 4, iPhone 11 Pro, Samsung Galaxy S10, nếu chỉ nhìn số megapixel có lẽ rất nhiều người sẽ nói là các điện thoại này có chất lượng hình ảnh giống nhau, tuy nhiên hình ảnh từ những điện thoại này lại có chất lượng rất khác nhau. Sự khác nhau đó đến từ phần mềm, mỗi hãng sẽ có cách xử lý hình ảnh khác nhau từ đó sẽ đưa ra những hình ảnh khác nhau dù đều chụp trong cùng điều kiện. Một số hãng cũng cho phép người dùng xuất hình ảnh dưới dạng RAW, điều đó nghĩa là hình ảnh sẽ chứa nhiều thông tin hơn và đem tới khả năng chỉnh sửa ảnh dễ dàng hơn.
  • Thay vì sử dụng những cảm biến có độ phân giải cao hơn, những ông lớn như Apple hay Google lại chọn cách giữ nguyên độ phân giải và cải thiện thêm về phần mềm để đem tới chất lượng hình ảnh tốt hơn. Nếu so sánh hình ảnh giữa các thế hệ Pixel chúng ta có thể thấy rằng dùng chung độ phân giải là 12 megapixel nhưng lại có sự khác biệt về chất lượng hình ảnh giữa các sản phẩm và các sản phẩm sau luôn tốt hơn sản phẩm trước.

Giới hạn về phần cứng

  • Do điện thoại có kích thước nhỏ cho nên cảm biến camera của nó cũng sẽ nhỏ. Và cảm biến cũng có giới hạn của chính nó, để có thể thu được nhiều chi tiết và tận dụng hết số megapixel thì cần phải có một ống kính có chất lượng cực kì tốt và nếu chất lượng ống kính không được tốt thì cảm biến sẽ không thể tận dụng hết được số megapixel.
  • Hãy nhìn sang thị trường máy ảnh chuyên nghiệp đặc biệt là Sony, một ông lớn trong ngành sản xuất các thiết bị quay. Chính việc sử dụng một cảm biến chỉ là 12 megapixel nhưng kích thước to đã giúp cho dòng A7S được đánh giá là một trong những camera thể hiện trong điều kiện thiếu sáng tốt nhất.

Nguồn : Nguyễn Thế Hoàng – iOS Việt Community

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài Viết Liên Quan

guest
0 Bình luận
Phản hồi
Xem tất cả bình luận
0
Tham gia bình luận bài viết ngayx